Hồi còn làm ở phòng BIM một công ty tổng thầu lớn, thế giới nhỏ bé của mình phần lớn xoay quanh BIM đấu thầu.
Đến những năm gần đây làm việc ở TBF, tuần nào mình cũng phải cân não với những thương vụ đấu thầu BIM.
Hai việc, dễ nhầm là hai thứ giống nhau.
Nhưng khi CĐT ngày một trưởng thành về nhận thức & năng lực BIM, thì chúng lại trở thành hai lựa chọn khó khăn đối với những người làm BIM, nhất là ở các Nhà thầu lớn.
Mà nếu cứ hiểu nhầm, và mãi chọn nhầm, thì sẽ uổng phí không chỉ cơ hội trúng thầu, mà cả công sức của đội BIM, trong thời gian sắp tới.
Thực trạng BIM đấu thầu
Đã bỏ tiền đầu tư thì ai cũng mong nó hoàn vốn, sinh lời. Vì vậy, Nhà thầu thường dùng BIM để quảng bá năng lực cạnh tranh khác biệt để mong trúng thầu. Đã từ lâu, BIM ở Nhà thầu chủ yếu là để đấu thầu.
Trong thời gian nộp thầu ít ỏi, đội BIM phải căng ra:
Dựng mô hình BIM lại từ bản vẽ thiết kế 2D. Đủ nhân lực thì dựng cả kiến trúc, không thì chỉ có kết cấu. Có khi chỉ là lớp vỏ công trình.
Sau đó mô hình thêm các công tác tạm, biện pháp thi công theo tính toán của các bộ phận kỹ thuật: bao che, xe máy, cốp pha, đào đắp, hệ chống…
Rồi gấp rút xuất mô hình sang Navisworks/ Synchro, thậm chí là 3Ds Max/ Lumion để diễn họa biện pháp thi công. Nếu không đủ thời gian thì chỉ xuất hình các giai đoạn chính để làm slides thuyết trình.
Kinh điển.
Mục đích chính là để diễn họa phương án thi công của Nhà thầu cho CĐT dễ nắm bắt:
- Biện pháp của tui vầy nè
- Trình tự trước sau vầy nè
- Nhiêu đây thời gian nè
“Rất hay! Rất đẹp!”
Nhưng sau đó, mọi người quay lại thảo luận các vấn đề kỹ thuật và giá. Để rồi sau khi trúng thầu, những sản phẩm ấy của đội BIM chỉ dừng lại ở những lời tán thưởng, và dần chìm vào quên lãng. Ai quen việc gì lại về việc nấy.
Rồi cứ thế, một thương vụ khác bắt đầu…
Nhu cầu Đấu thầu BIM
Ngày càng nhiều CĐT nhận ra: BIM là khoản đầu tư cần thiết. Và đầu tư là để hoàn vốn & sinh lời, bằng các lợi ích mà BIM hứa hẹn: tiết kiệm thời gian, tiền bạc phát sinh khi vận hành dự án/ công trình.
Mỗi ứng dụng BIM đem lại một kiểu lợi ích khác nhau, và đòi hỏi những cách và năng lực triển khai khác nhau. Thành ra CĐT thường sẽ truyền tải nhu cầu của mình thông qua hồ sơ mời thầu. Có khi là một vài dòng mô tả sơ bộ, nhưng tốt nhất là một bộ hồ sơ yêu cầu thật chi tiết. Vừa để làm rõ cái CĐT mong muốn, vừa để đánh giá năng lực BIM của các Nhà thầu.
Đã yêu cầu, là sẽ đấu thầu. Vậy đây là Đấu thầu BIM.
Nếu Nhà thầu nhầm lẫn với BIM đấu thầu, thì sẽ lại lao vào dựng mô hình BIM diễn họa biện pháp thi công. Cũng hay, nhưng không phải là trọng tâm khảo thí của CĐT.
Việc của đội BIM Nhà thầu là phản hồi lại các yêu cầu BIM ấy bằng một hồ sơ đề xuất giải pháp BIM trong tương lai, và các năng lực kèm chi phí thực hiện giải pháp ấy cho CĐT.
Chi tiết như sau…
Kế hoạch Thực hiện BIM Sơ bộ
Nhà thầu sẽ cần trình bày Giải pháp BIM trong Kế hoạch Thực hiện BIM Sơ bộ (Pre-Appointment BIM Execution Plan, hoặc Pre-Contract BEP, hay Pre-BEP).
Pre-BEP sẽ là một bản tóm tắt trích lược mà nếu trúng thầu, Nhà thầu sẽ trình bày chi tiết đầy đủ trong full BEP.
Pre-BEP là để Nhà thầu thể hiện:
Hiểu biết của Nhà thầu về nhu cầu BIM của CĐT. Đâu là mục tiêu và đâu không là mục tiêu.
Các đề xuất ứng dụng BIM trong giai đoạn thi công của Nhà thầu để giúp CĐT đạt các mục tiêu ấy.
Sơ bộ các quy trình BIM của Nhà thầu để triển khai các ứng dụng BIM đã chọn.
Cách thức và hạ tầng công nghệ để trao đổi (mô hình) thông tin.
Sơ đồ tổ chức và vai trò nhân sự BIM đề xuất để thực hiện các giải pháp trên.
Kèm theo đó, cần phải có…
Báo cáo Năng lực BIM
Một bản Báo cáo Năng lực BIM (BIM Capability Statement, hoặc BIM Cap) nhằm chứng minh ngoài năng lực thầu phụ, xe máy, tổ đội, kinh nghiệm thi công chinh chiến bao nhiêu dự án, thì cũng tương tự là năng lực BIM của Nhà thầu.
BIM Cap xoáy vào các trụ cột của BIM:
Policy: năng lực Chính sách triển khai BIM tại công ty Nhà thầu.
People: năng lực Con người của Nhà thầu, đội BIM và đội tham gia khai thác BIM.
Process: năng lực Quy trình triển khai BIM tại doanh nghiệp và dự án của Nhà thầu.
Tech: năng lực Công nghệ phần cứng và phần mềm hạ tầng cho triển khai BIM của Nhà thầu.
Kèm bằng chứng cho những điều trên:
Bằng cấp, chứng chỉ
Hợp đồng/ chứng nhận mua sắm công nghệ
Kinh nghiệm dự án áp dụng BIM
Các BEP đã làm
Nếu BIM là gói thầu riêng, thì sẽ kèm thêm phí triển khai dựa trên những đề xuất & năng lực trên.
Vậy là từ đây để cho rõ ràng:
đấu thầu BIM và BIM đấu thầu là hai thứ khác nhau.
BIM đấu thầu, là dùng BIM để truyền tải thông tin, hình học & phi hình học, về phương án (thiết kế) thi công của Nhà thầu đến CĐT. Mục đích là truyền tải cho dễ hiểu và gây ấn tượng.
Còn Đấu thầu BIM, là đấu giải pháp ứng dụng BIM trong tương lai, và năng lực sẵn sàng thực hiện giải pháp ấy.
Chắc chắn, CĐT không trả thêm tiền cho BIM đấu thầu. Vì đó là năng lực làm truyền thông của mỗi Nhà thầu. Dùng BIM, hay dùng hình ảnh, câu chữ… nhưng bản chất giá trị CĐT nhận được cuối cùng đâu có đổi: vẫn là biện pháp ấy, cách triển khai ấy, thời gian ấy, số tiền ấy.
Còn đấu thầu BIM, chắc chắn sẽ cần ngân sách đầu tư thêm. Cho dù Nhà thầu có tách riêng gói BIM hoặc trộn chung vào tổng giá, thì CĐT không bỏ thêm tiền cho diễn họa biện pháp thi công.
Cái họ mua là giá trị tiết kiệm thời gian, tiền bạc từ việc triển khai ứng dụng BIM vào thực tế thi công của Nhà thầu.
Nguyên tác: Phạm Minh Nhựt
Đồ họa: Võ Trí Cường
THE BIM FACTORY
Comments