Như các bạn có thể cũng đã biết, Building Information Model – Mô hình Thông tin Công trình, đơn giản là cái Mô hình của Công trình – nay có chứa thêm Thông tin.
Áp dụng Mô hình Thông tin Công trình (BIM) trong hoạt động Xây dựng và Quản lý Vận hành Công trình, tức là làm sao để tạo ra cái mô hình này, rồi sau đó áp dụng nó vào những việc xây nên và vận hành công trình, với kỳ vọng đạt được những lợi ích cho các bên tham gia.
1. BIM Modeling
Hoặc Building Information Modeling, dựng hình, mô hình, mô hình hoá, mo-đồ/mo-đeo (model)… là công tác tạo ra cái mô hình thông tin công trình, tức Building Information Model hoặc mô hình BIM.
Người thực hiện công tác này, thường gọi là các modeler (mo-đồ-lơ hay mo–đeo-lơ), hoặc hoạ viên BIM, kỹ thuật viên BIM, kỹ sư BIM, chuyên viên BIM… Nhưng cũng có khi là chính các kiến trúc sư & kỹ sư thiết kế của công trình đó.
Họ sẽ dùng một hoặc nhiều loại công cụ như Revit, Archicad, Tekla… để tạo ra mô hình BIM nhằm mô tả các cấu kiện kiến trúc, kết cấu, cơ điện, cảnh quan, nội thất… của công trình.
BIM Modeling đương nhiên là công tác cơ bản của áp dụng BIM. Vì không tạo ra mô hình BIM, thì lấy cái gì để mà áp dụng nữa. Nhưng đó chỉ là điều kiện cần, vì mới chỉ tạo ra mô hình BIM thôi thì chưa đủ. Điều kiện đủ để thực sự áp dụng BIM trọn vẹn… là phải có bước tiếp theo.
2. BIM Uses
Đã gọi là “áp dụng” BIM thì quan trọng là ở bước “dụng” chứ đúng không nào?
Lấy mô hình BIM đã tạo ra ở bước 1, đưa vào sử dụng trong công việc hàng ngày. Thiết kế, đấu thầu, thi công, quản lý dự án, vận hành bảo trì… tất cả những hoạt động căn bản nhất của một dự án công trình xây dựng đều cần phải có thông tin đầu vào, và phát hành thông tin đầu ra sau khi hoàn thành.
Tên gọi khác: ứng dụng BIM, nội dung áp dụng BIM (theo [link])
Người thực hiện công tác này, có khi là các BIM modeler ở trên.
Nhưng cũng có khi là chính những người thiết kế, thi công, QS, quản lý dự án, vận hành… mà trước giờ vẫn dùng bản vẽ 2D, nay dùng thêm mô hình BIM để tăng hiệu quả công việc.
Họ sẽ dùng các công cụ:
triển khai bản vẽ – dựa trên mô hình BIM
bóc khối lượng – dựa trên mô hình BIM
tổ chức thi công – dựa trên mô hình BIM
lập kế hoạch bảo trì – dựa trên mô hình BIM
…
Có hơn 20 loại ứng dụng BIM khác nhau, dành cho các bên khác nhau trong dự án. Và khi công nghệ phần mềm & sức mạnh máy tính ngày càng phát triển, người ta càng tìm ra thêm nhiều cách để ứng dụng BIM vào ngành xây dựng.
Nhưng dù cho có thêm bao nhiêu cách ứng dụng BIM đi chăng nữa, tựu trung lại, có một số cách để phân loại những ứng dụng BIM. Mình sẽ đi vào chi tiết các loại BIM Use trong một bài viết khác.
BIM Modeling #1 và BIM Uses #2 cần phải đi chung với nhau, nên mình hay gọi vui là đã có chế tác (1) thì phải có khai thác (2).
3. BIM Planning
Là lập kế hoạch để làm 2 bước trên. Nhưng tại sao chỉ cần 2 bước trên là đã trọn vẹn việc áp dụng BIM? vậy tại sao lại cần thêm bước này? Vì việc áp dụng BIM thường đem lại hiệu quả cao cho các dự án phức tạp. Dự án càng lớn, càng có nhiều bên tham gia, có yêu cầu thiết kế hoặc kỹ thuật càng phức tạp hoặc hay thay đổi… thì càng có nhiều vấn đề về trao đổi thông tin đầu vào hoặc đầu ra.
Kế hoạch có thể là một bản EIR và/hoặc BEP vài chục trang theo tiêu chuẩn Anh, Mỹ, ISO… nhưng cũng có thể là một hai tờ A4 gạch đầu dòng các hạng mục BIM cần thực hiện. Miễn sao là kế hoạch đấy phải dễ hiểu với các bên thực thi, thì họ mới biết cách bám theo được.
Công cụ: xếp theo mức độ phức tạp
Giấy & Viết
Microsoft Office / Google Docs… các công cụ tin học văn phòng
Microsoft Project… các công cụ lập tiến độ
Airtable, Notion, Coda…
Plannerly: công cụ chuyên lập & theo dõi kế hoạch triển khai BIM.
Người thực hiện công việc này thường là Giám đốc BIM hoặc Quản lý BIM, hay nhiều khi là Điều phối viên BIM. Nhưng cũng có thể là Quản lý Thiết kế hoặc Quản lý Dự án có kinh nghiệm về BIM.
Trên đây là 3 hoạt động chính mà một dự án triển khai BIM cần phải có.
Thiếu vắng một trong ba:
Thiếu Modeling: không có mô hình BIM => không thể triển khai BIM
Thiếu Uses: có mô hình nhưng không biết để làm gì => triển khai BIM không mang lại lợi ích gì.
Thiếu Planning: có mô hình & mong muốn xài, nhưng … nên kế hoạch đổ bể
=> triển khai BIM không đi đến đích cuối cùng.
THE BIM FACTORY
Nguyên tác: Phạm Minh Nhựt
Đồ họa: Võ Trí Cường
Comments