top of page
Ảnh của tác giảNhut Pham

Tư duy CAD khác Tư duy BIM

Cách phổ biến nhất để bắt đầu làm BIM là đổi công cụ CAD sang BIM. Ví dụ: AutoCAD > Revit.

Nhưng đổi xong, mọi người lại tập trung dùng nó để làm mấy thứ truyền thống: bản vẽ 2D, mô hình 3D. Để diễn họa.

Vì mục tiêu diễn họa chân thật, người làm BIM phải hao công tổn sức chế tác mô hình chi tiết như thực tế.

Rồi bị than phiền tốn thêm thời gian tiền bạc. BIM chẳng được lợi lộc gì.

Thật ra, cách hiệu quả nhất để bắt đầu làm BIM, là bắt đầu bằng tư duy đúng.

Vậy sau đây, là để bắt đầu lại, người ơi.


TƯ DUY CAD KHÁC TƯ DUY BIM

Cad Đường nét hình khối BIM LODs các mức độ phát triển thông tin


Không thể phủ nhận, nếu không có mô hình 3D, thì không có BIM. Nhưng nếu không tích hợp thông tin, thì BIM cũng chẳng khác gì mô hình 3D CAD truyền thống.


Vậy cần phải làm rõ từ đây, hai thế giới.


CAD sinh ra để thay bút-thước bằng phím-chuột, thay giấy bằng file. Nhưng bản chất CAD vẫn là đường nét, hình khối, để mô tả lại công trình.


Còn BIM sinh ra để thâu hết mớ hỗn độn thông tin công trình về một mối, và liên tục kế thừa phát triển cho giai đoạn sau. Thành ra khi nói về mô hình BIM, là nói về các cấp độ phát triển LOD và thông tin gì đi kèm.


Ví dụ:

LOD 200 cho SD - Thiết kế cơ sở

LOD 300 cho DD - Thiết kế kỹ thuật

LOD 350 cho CD - Thiết kế bản vẽ thi công



CAD Diễn họa 2D/ 3D BIM quản lý thông tin


Lý do người làm BIM tốn nhiều thời giờ là đây: chỉ để diễn họa.


BIM dựa trên mô hình 3D, nên không phủ nhận áp dụng BIM sẽ mặc nhiên giúp diễn họa thiết kế tốt hơn, là tưởng tượng từ bản vẽ 2D.

Nhưng nếu chỉ dùng để diễn họa, thì anh em nên về lại CAD 3D, SketchUp, Rhino... để tiết kiệm thời gian.


Còn đã quyết định làm BIM, thì hãy bắt đầu đưa mô hình BIM vào khai thác. Kiểm tra va chạm, thống kê khối lượng, kiểm soát chi phí...


Nhưng không phải đội BIM, mà những ai làm chuyên môn thiết kế, thi công, mua hàng, QLDA... mới chính là người cần khai thác mô hình BIM.


Vậy trách nhiệm của đội BIM là tổ chức, quản lý thông tin BIM sao cho tốt, để người ta còn dễ dàng khai thác.


Khai thác kiểu gì, thì cần thông tin ấy:

3D: thông tin mô tả công trình

4D/ 5D: thông tin tiến độ/ chi phí

6D/ 7D: thông tin vận hành/ năng lượng


Riêng rẽ Đứt Quãng BIM Tập trung phối hợp liên tục


Không phải người làm chuyên môn nào cũng có năng lực BIM. Mà nếu có, cũng muốn tập trung cho chuyên môn, thay vì ngồi chế tác mô hình BIM.


Vậy để triển khai BIM, thì đội BIM phải phối hợp các bên chuyên môn để cùng khai thác BIM cho hiệu quả.


Phối hợp 3D kiểm soát xung đột.

Phối hợp 4D kiểm soát tiến độ.

Phối hợp 5D kiểm soát chi phí.


Và vì QLDA là quản lý sự thay đổi, nên càng thường xuyên phối hợp thì càng kiểm soát tốt thông tin thay đổi. Xử lý vấn đề càng sớm, thì về sau càng nhẹ gánh, nhất là khi thi công. Đấy gọi là Front-loaded.


Còn cách làm CAD đi theo cách làm xây dựng truyền thống: đứt khúc, riêng lẻ rời rạc. Đến khi ráp lại, có sự cố thì xử lý tại công trường. Đấy gọi là Back-loaded: nhẹ việc ban đầu, nặng về sau.


Giờ ta phải chọn thôi: thêm tiền vẽ, hay thêm tiền sự cố phát sinh?



Bắt đầu bằng tư duy đúng


Có mấy thứ cơ bản thôi, để bắt đầu BIM bằng tư duy đúng:


1. Bản chất:

Đường nét, hình khối => LOD + Thông tin


2. Mục đích chính:

Diễn họa 2D/3D => Quản lý Thông tin


3. Triển khai:

Riêng lẻ, đứt khúc => Tập trung, phối hợp liên tục


Chúc mọi người triển khai BIM hiệu quả.

 

Phạm Minh Nhựt

THE BIM FACTORY

Comments


bottom of page