Gần đây, mình được gặp gỡ một người anh em đang làm nghiên cứu sinh về BIM ở Phần Lan. Đề tài của bạn cũng như cuộc nói chuyện giữa hai anh em, một phần là đi tìm lời giải cho câu hỏi:
“Khi nào BIM sẽ thay Bản vẽ?”
Vì làm bản vẽ ở Việt Nam mình hơi cực. Nhất là bản vẽ shop thép. Phải tách từng lớp, bẻ từng cây, đánh từng số một. Rồi bày lên bản vẽ, trải ra lớp lang, thống kê chi tiết neo/ nối/ uốn đủ cả.
Và dạo gần đây, nhiều dự án đã chuyển qua dùng phần mềm BIM để tái hiện lại những sản phẩm ấy, kèm vài view diễn hoạ 3D.
Vậy đã tốn công dựng mô hình BIM sẵn thông tin hết rồi, sao không lấy sử dụng luôn mà phải thêm một bước bản vẽ?
Anh em làm BIM, ít nhiều cũng một lần tưởng tượng đến viễn cảnh này:
Người kỹ thuật công trường, tay cầm iPad, đầu đeo kính Hololens, ra hiện trường triển khai thi công và nghiệm thu trực tiếp bằng mô hình BIM.
Không thể nào ngầu hơn.
Mô hình BIM hay bản vẽ, cuối cùng là để làm gì?
Mô hình BIM, bản vẽ, bảng specs, bảng tiến độ… hay email, lời nói, cử chỉ, cũng chỉ là phương tiện truyền tải thông tin. Thông tin về thiết kế & công tác thi công các cấu kiện công trình.
Thông tin đơn giản, chỉ cần từ não, thành lời, ra việc, làm ngay. Thông tin phức tạp, cần phải phân tách thành các tầng bậc, và bày nó lên các phương tiện cao cấp hơn. Để lưu truyền cho tiện, ít bị tiêu hao về sau.
Và dù là phương tiện nào, thì cũng phải có người gửi, người nhận, và qua kênh nào.
Nếu thay Bản vẽ bằng Mô hình BIM, mình mô tả bằng luồng trao đổi thông tin như hình trên. Cụ thể:
Thông điệp/ Thông tin: Ý tưởng thiết kế
Người gửi thông điệp: Kiến trúc sư
Mã hoá thông điệp: mô tả bằng mô hình BIM, nhập vào iPad
Người nhận thông điệp: Kỹ sư công trường
Giải mã thông điệp: mở iPad, xoay mô hình, trích thông tin
Kênh giao tiếp: công trường xây dựng, trên sàn thi công
Rào cản: internet chập chờn, thiết bị cồng kềnh, trên đầu nắng 40 độ, dưới chân bì bõm bê tông, môi trường nhiều nguy hiểm.
Giờ anh em thấy rõ rồi đó.
Vậy câu hỏi ban đầu, phải đổi lại như này:
“Tại sao mô hình BIM chưa thay được bản vẽ?”
Bởi vì cho đến thời điểm này, bản vẽ vẫn quá tốt cho công trường xây dựng.
Bản vẽ không dùng nữa thì cuộn vào, nhét sau túi, vác đi nhẹ tênh. Bản vẽ cần dùng thì trải ra trong 1 nốt nhạc. Ai cũng biết cách đọc. Cần ghi chú thì cứ vẽ ngoạc lên.
Nhìn dưới ánh mặt trời, góc nào cũng rõ. Chẳng sợ bị nóng máy. Chưa bao giờ hết pin.
Bản vẽ có rách, có xé toạc làm đôi, thì vẫn đọc được. Bản vẽ bị ướt, dơ, không xài được thì cứ cho sọt rác, in bản mới chỉ mấy ngàn đồng.
Bản vẽ đã phổ cập rộng, đỡ công đào tạo lại.
Vậy BIM sẽ chẳng bao giờ thay được bản vẽ sao?
BIM sẽ thay thế được Bản vẽ nếu:
Người gửi biết nạp thông tin vào BIM
Người nhận biết xuất thông tin từ BIM
Kênh giao tiếp hỗ trợ sử dụng mô hình BIM:
Thông tin đúng đủ
Truy xuất tiện dụng
Vận hành ổn định
Chi phí phù hợp với lợi ích nhận được
Thay thế Bản vẽ bằng BIM cho môi trường văn phòng thiết kế, là một ý tưởng khả thi.
Nhưng ngoài công trường,
Chừng nào còn nạp thông tin nhiễu, thiếu vào BIM.
Chừng nào còn phải mở BIM trên thiết bị cồng kềnh, thao tác dài dòng.
Chừng nào điện, internet, và an toàn chưa đủ để sử dụng thiết bị ổn định lâu dài & an toàn cho người dùng.
Và chừng nào chi phí triển khai tất cả những thứ trên còn chưa đủ rẻ.
Thì bản vẽ vẫn là lựa chọn đương nhiên.
--
THE BIM FACTORY
Nguyên tác: Phạm Minh Nhựt
Đồ hoạ: Võ Trí Cường
--
Comments