top of page
Ảnh của tác giảNhut Pham

Chuyện làm BIM (2013-2016)

Năm 2013, tôi nghe người ta bắt đầu nói về BIM.

Nghe cũng hay đấy, nhưng mà lợi ích của BIM sao mà khó hiểu quá. Có cái mô hình 3D mà nghe nói thực tế tiết kiệm được thời gian, chi phí, phối hợp các kiểu. Đối với một thằng sinh viên như tôi thì thời gian loanh quanh chuyện học đã là quá nhiều. Chuyện thực tế thì ra thực tế lo, mình lo điểm cái đã. Thế là quyết định: "Tôi không đầu tư".



Chuyện gì đến cũng đến

(còn chuyện gì không đến thì mình muốn bàn cũng chẳng được 😅), thầy bảo ai làm BIM sẽ được cộng điểm đồ án. Thời đó, đồ án thi công của trường tôi có mười mấy cái đề, làm tới làm lui hơn chục năm. Anh em nào nhanh tay thì lên mạng tải bộ bản vẽ CAD về sửa tên lại, nay nhận đề mai nộp bài. Tất nhiên là rớt. Vì bạn nhanh tay không bằng thầy nhanh mắt, biết ngay là cái thằng này lười làm, chỉ biết copy.


Biết chẳng thể nào tránh được chuyện này, tôi đành đổi hướng vì không thích copy"CAD". Năm 2014, tôi đi học "BIM" Revit. Vậy là tôi đường hoàng đậu môn đồ án mà chỉ làm 50% khối lượng của người ta. Một phần vì được cộng điểm "năng khiếu BIM". Phần vì thiết kế của tui lạ quá, nên thầy biết là cái thằng này nó chẳng copy được của ai nên chế đại đây này 😂



Đến kỳ thực tập tốt nghiệp năm 2015,

tôi tìm thấy may mắn tại một nhà thầu xây dựng đầu ngành. Qua mấy vòng tuyển chọn, chút ít kỹ năng Revit giúp tôi được các anh sếp cho theo phụ phòng Kỹ thuật & BIM. Ngày ấy, ai làm BIM thì cũng muốn một chân vào cái chỗ đấy, để mà biết cái mùi “BIM là gì?”



Rồi, vậy thì BIM “đã từng” là gì?

Phòng tôi được công ty ưu ái cấp cho mấy dàn máy xịn sò nhất quả đất. Anh em ai cũng hăng hái hừng hực. Ngay cả cái thằng thực tập như tôi cũng phải cố xong thiệt nhanh mấy cái bảng tính cốp pha, để mà còn tranh thủ tí, làm mấy nháy BIM.


Hồ sơ thầu về. Anh em chia nhau, người kiến trúc, người kết cấu. Bản vẽ có gì, chúng tôi dựng hết tất tần tật. Sau đó bỏ thêm vào bao nhiêu là giàn giáo , bao che, xe cẩu, đào đắp, top-down… Nhiều khi tôi còn lén “đẻ” ra mấy anh chị công nhân nữa. Cuối cùng là sô hàng bằng mấy đoạn video biện pháp thi công màu mè xuất từ Navisworks. Đấy, chúng tôi làm BIM 3D, 4D. Rất là mê.



Hết kỳ thực tập và xong luôn đồ án tốt nghiệp,

tôi lại được may mắn về chỗ ấy làm tiếp. Chắc là nhờ cái đồ án của tôi cũng vẽ Revit. Tôi được giao vừa tính toán kỹ thuật, vừa đi thăm thú dự án nhà đậu xe bằng kết cấu thép ở sân bay, trọng điểm về phối hợp BIM ba bộ môn có sử dụng Tekla. Nhiều lần xuống công trường, tôi thấy mấy anh kỹ sư nhà mình làm báo cáo sao mà cực quá. Hôm nay đã lắp được mấy thanh cột/dầm nào, tầng mấy trục mấy, mấy cây nào vừa được giao tới công trường, mấy cây nào đã siết bu lông rồi hay chưa... Bao nhiêu số liệu toàn phải ghi ra sổ tay & tô màu lên bản vẽ.


Tôi lấy gan gom hết dữ liệu ấy cho vào mô hình, rồi nhập kèm tiến độ, ra được đường cong S (S-curve). Báo cáo tiến độ vừa trực quan minh bạch, vừa chính xác, vừa nhanh. Sếp tôi ở phòng kỹ thuật khen hay, anh quản lý BIM công trường thấy hứng thú muốn tôi triển khai cho anh ấy xem. Chỉ có mấy anh kỹ sư công trường nhà mình không thấy quan tâm mấy. Tôi đã nghĩ, dự án nào ở công ty mình cũng làm BIM như vầy thì hay phải biết. Chứ suốt ngày làm BIM đấu thầu thì vừa chán, vừa lo không biết CDT có biết xài cái BIM của mình không.



Tốt nghiệp giữa năm 2016,

tôi quyết định làm ý tưởng BIM + data ấy tới cùng. Ngày ra đi, tôi lấy hết ruột gan viết lại mấy chữ: “Cho BIM ra công trường, anh ơi, hoặc là BIM sẽ chết.” Đại loại vậy.


Sau này đúc kết lại: hóa ra, BIM không chết. Cái chết là mấy người ngây thơ. (như tôi trong hình 😂)


Bài sau:

“Năm mười bảy tuổi, em đi lấy chồng”. Còn tôi đi lấy cục nợ BIM các bạn ạ.

 

Phạm Minh Nhựt

THE BIM FACTORY


Comments


bottom of page