Bài trước, chúng ta đã nói về hiện tượng BIM giả trân khi mới bắt đầu làm BIM. Làm giả càng nhiều, đội BIM càng cảm thấy tốn thời gian, nhất là khi có nhiều thay đổi thiết kế xảy ra. Từ đó ta cảm thấy mất đi ý nghĩa công việc của mình. Một số chọn đi tiếp bằng nghề khác, và một số chọn chuyển sang làm thật, dù có phải làm ở chỗ khác.
Thành ra bệnh ấy nghe vậy mà dễ chữa, vì đến với BIM thường là những anh em đầy sức trẻ, mấy ai chịu chấp nhận giậm chân tại chỗ bao giờ. Mình cũng trải qua như vậy, lao vào BIM đi tìm những lợi ích tương lai hứa hẹn. Mỗi mô hình BIM mình trau chuốt làm ra đều như một đứa con tinh thần vậy. Và đó là triệu chứng lâm sàn của căn bệnh BIM tiếp theo đây.
Mê BIM quá, hóa mê muội
Dựng cái cửa là phải có cả profile nhôm, mẫu mã tay nắm, quy cách bản lề. Dựng cái cọc ly tâm là phải có cốt đai xoắn quanh cốt thép chủ, hàn vào bản mã chờ nối đầu cọc. Dựng cái máy bơm là phải có đủ mấy lá tản nhiệt của động cơ điện. Anh em hiểu ý rồi đó.
BIM vô độ là khi mê BIM đến nỗi nghĩ rằng, chỉ bằng công lực chế tác mô hình BIM, một tay mình sẽ tự mang về tất tần tật những lợi ích của BIM mà người đời đang ca ngợi. Chỉ cần có mô hình BIM trong tay, mọi vấn đề sẽ tự động được giải tỏa. Đây rồi mô hình BIM, là sản phẩm toàn năng, là hiện thân của trí tuệ thượng đẳng.
Căn bệnh này không phải chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, người ta có hẳn tên riêng cho nó: Over-modeling.
Độ 3D, độ 4D, độ 5D… độ XD
Khi bạn còn cả tin thì có lên mạng tìm hiểu, dễ bị mờ mắt bởi mấy thứ hào nhoáng. Mấy khái niệm BIM cao cấp như 4D, 5D… tới XD bắt đầu đổ về làm lóa mắt con người ta. Mỗi cấp độ đều như hứa hẹn mở ra một chương mới cho quản lý thi công, quản lý chi phí, quản lý vận hành… mà ta ngộ nhận là chỉ cần tích hợp thông tin dần vào mô hình.
Lúc này mình mới ngẫm cách người ta hay nói: BIM là quan trọng chữ i ngắn - Information.
Đúng rồi, không phải Modeling đâu. Làm mô hình 3D cồng kềnh như vậy, ngoài mấy ông đội BIM ngồi văn phòng thì chả ai mở nổi mô hình. Nhất là khi phải thao tác nhanh gọn lúc đi họp, hay khi công tác dã chiến ngoài công trường, quán cà phê.
Thời gian dự án luôn có hạn nên mình nhanh chóng chuyển mục tiêu ngay, hạn chế bớt dựng hình 3D mà tập trung đổ thông tin vào mô hình.
Đặt tên, đúng rồi, phải đặt tên family để quản lý nội bộ, cấu kiện phải đúng tên nhà sản xuất, tên mã sản phẩm, tên nhà cung cấp/ nhà thầu phụ nào chịu trách nhiệm xây lắp.
Thời gian, đúng rồi! Mỗi cấu kiện phải có thời điểm kết thúc thiết kế, thời điểm bắt đầu xây lắp, thời điểm nghiệm thu. Rồi một bộ dữ liệu theo kế hoạch và một bộ theo thực tế.
Tiền, tiền! Đúng rồi, mỗi cấu kiện phải có chi phí theo khái toán, theo dự toán, theo hợp đồng, theo quyết toán…
Mỗi khi nghĩ ra một đầu mục thông tin gì mới là bạn biết rồi đó, mình nhồi nó vào mô hình BIM như khổ qua dồn thịt. Rồi tin là người khác sẽ ăn, sẽ tấm tắc khen cái món khổ qua từ nay đã bớt đắng vì nhân đầy thịt.
Nhưng bệnh nhân BIM đâu đã thoát khỏi căn bệnh BIM vô độ. Chỉ được cái, bây giờ nó chắc đã đến độ di căn giai đoạn cuối, đụng đâu cũng thấy BIM.
Bệnh nhân chưa bao giờ nghĩ mình mắc bệnh BIM
Bản thân Mô hình BIM không có tội. Nó chỉ là phương tiện được làm ra để lấy thông tin từ người muốn cho, và mang thông tin đến người cần nhận. Vào một chỗ, chỉ một lần, thật nhất quán, tốn công đầu, tiện về sau.
Nó là phương tiện để đạt được mục đích.
Nó không phải là mục đích!
Nên vấn đề của BIM vô độ không phải ở mô hình BIM. Vấn đề là người làm BIM nghĩ, áp dụng BIM là chỉ cần làm cho ra cái mô hình BIM đa cấp độ. Và tự nó sẽ mang lại các lợi ích tốt đẹp như hứa hẹn. Mà không cần biết người khác có dùng được hay được dùng hay không.
Đó là lý do nhiều công ty mất công chế tác mô hình BIM cho tinh xảo, nhưng lại không thể chia sẻ để phối hợp với bên khác trong dự án vì “lý do bản quyền”.
Căn bệnh BIM vô độ thật sự khó chữa. Vì người làm BIM như mình thường nhập môn từ công việc kỹ thuật dựng mô hình. Nên tâm lý phổ biến là mô hình càng nhiều, càng được việc. Nhận thức sai mà luyện tập nhiều là thành thói quen xấu.
Bệnh nhân BIM đã vậy còn gặp trúng người quản lý hoặc CĐT chưa hiểu về BIM, nghĩ áp dụng BIM là để nhận được mô hình BIM, là vấn đề kỹ thuật, là năng lực nội bộ của mỗi công ty trong dự án, ai tự áp dụng được thì áp dụng. Đã ngộ nhận còn gặp truyền thông sai, bị đám đông dẫn dắt, thành ra căn bệnh này vừa mãn tính, vừa lây lan nhanh.
Vậy độ làm sao cho bớt bệnh?
Nếu BIM chỉ là phương tiện, thì mục đích làm BIM là để độ người khác.
BIM cho thi công, là phải tập trung độ người quản lý thi công: hôm nay anh cần thông tin gì? Đây, tiến độ tới đây, dòng tiền nhiêu đây.
BIM cho vận hành, là phải tập trung độ người quản lý vận hành: hôm nay anh cần thông tin gì? Đây, máy này sắp tới hạn bảo trì đây, số điện thoại nhà cung cấp đây.
Mỗi khi dựng một cấu kiện, thêm một thông tin, thì phải luôn tự hỏi bản thân: Mô hình cái này để giúp cho ai? Người ta có cần chưa? Không mô hình thì người ta có than phiền không?
Khi bản thân mình bớt bệnh rồi thì tiến lên giúp đội mình, công ty mình, dự án mình bớt ngộ nhận. Chia sẻ một cái hướng dẫn BIM cho nội bộ. Rồi tiến lên một cái BIM Execution Plan cho mấy anh em dự án cùng theo. Rồi tiến lên một cái EIR cho CĐT khi thời cơ chín muồi.
BIM vô độ, rồi cũng là một giai đoạn tiếp theo của phong trào khai phá BIM.
Một số nhận thức được, sẽ vượt qua giai đoạn này dễ dàng. Một số, vì vướng bận dải băng vô hình của năng lực và đam mê kỹ thuật công nghệ che mờ đôi mắt, bị mắc kẹt ở đó mãi mãi.
Hi vọng bài sau là cái bệnh gì nó ngắn gọn đi. Chứ anh em đọc được tới đây là biết mình bệnh cỡ nào rồi đó, viết gì mà dài vô độ 😂
THE BIM FACTORY
Nguyên tác: Phạm Minh Nhựt
Đồ họa: Võ Trí Cường
Comments