top of page
Ảnh của tác giảNhut Pham

BIM Giả Trân

Triển khai BIM, tuy không còn xa lạ với các công ty gạo cội của ngành xây dựng Việt, nhưng đang là một làn sóng mới với số đông của ngành.


Khi càng nhiều dự án bắt đầu áp dụng BIM, một số vấn đề kinh điển về BIM bắt đầu xuất hiện lại và càng trở nên phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu lại không phải về kỹ thuật hay công nghệ, mà do ngộ nhận gây ra. Ngộ nhận nếu không được phản biện thì lâu dần, số đông sẽ biến nó thành thói quen, thành “best practice”.


Trong bài đầu tiên này, mình sẽ chia sẻ về một vấn đề mà chắc anh em gặp rất nhiều rồi, nhưng có thể chưa biết gọi tên là gì. Mình gọi là “BIM giả trân”, hoặc tiếng Anh là “fake BIM”.


BIM giả trân
BIM giả trân

Hàng giả, nhưng cứ “trân trân”


Khi mới làm BIM, mình cũng từng mắc bệnh BIM giả trân. Đặc điểm của bệnh này là nhìn bên ngoài, bản vẽ vẫn hoàn toàn đạt chuẩn như cách làm CAD truyền thống.


Nhưng mở mô hình lên thì thôi… tan hoang xác xơ. Lác đác dầm sàn, ống áng bay lơ lửng, không kết nối đâu vào đâu. Rồi trên bản vẽ, tầng tầng lớp lớp 2D được “vá” lên các cấu kiện để hoàn thiện hình chiếu. Và đa số những thông tin trên bản vẽ là nhập thủ công vào “text”, thay vì “tag” trực tiếp từ cấu kiện.


Thành ra, mô hình thành phẩm từ BIM giả trân chỉ để tạo hình cơ bản cho bản vẽ, đâu có giá trị khai thác gì về sau. Và kể cả cách làm bản vẽ như vậy cũng gặp vấn đề như quy trình CAD truyền thống khi thay đổi xảy ra: cập nhật thông tin “text” thủ công.


Cân đối giữa BIM và ngân sách cho BIM
Cân đối giữa BIM và ngân sách cho BIM

Mà giả trân chi vậy, sao không “thật trân” đi?


Khi mới bắt đầu làm BIM, BIM giả trân là “phím tắt” để một số tư vấn thiết kế nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ mà vẫn có mô hình để nộp. Nhưng lâu dần, càng nhiều văn phòng tư vấn chuẩn hóa cách này luôn, nhằm nhanh chóng dựng lên năng lực BIM đại loại như:

“Là công ty đi đầu về chuyển đổi số trong thời đại Công nghiệp 4.0, hơn 90% đồ án của chúng tôi là thiết kế theo quy trình BIM.”

(Và tương tự cho các nhà thầu áp dụng BIM chỉ để làm bản vẽ Shop.)


BIM giả trân thường xuất hiện trong các dự án mà bên CĐT yêu cầu BIM không rõ ràng nhưng muốn gặt hái các lợi ích của BIM. Hoặc đơn giản là CĐT không đòi hỏi BIM, không có ý niệm gì về BIM. Thành ra, thật khó để kỳ vọng CĐT sẽ có thêm ngân sách cho áp dụng BIM trong những dự án này.


Không tăng được thu nhưng vẫn muốn áp dụng BIM để tạo năng lực dự án, trong khi làm BIM lại tốn công hơn CAD truyền thống, thì chỉ có cách giảm chi. Và BIM giả trân là một cách.


Có nên đả kích BIM giả trân?
Có nên đả kích BIM giả trân?


Vậy phải đối xử với BIM giả trân thế nào?


Nếu dự án không yêu cầu BIM, không đặt ra chuẩn dựng hình và quy định cụ thể các ứng dụng để khai thác mô hình BIM, thì… thôi, không có gì phải bàn. Vì đằng nào cũng chẳng ai kiểm tra và sử dụng mô hình BIM ấy.


Còn nếu CĐT thực sự muốn gặt hái lợi ích BIM cho dự án của mình, thì cần quy định rõ yêu cầu BIM, càng sớm càng tốt. Để khi ấy, các đơn vị tham gia dự án BIM với CĐT mới không bị ngộ nhận rằng dự án này chỉ “nộp CD có hồ sơ bản vẽ kèm mô hình BIM”, mà thật sự trao đổi và khai thác mô hình BIM trong quá trình dự án cho các ứng dụng BIM như: kiểm soát xung đột 3D/ tiến độ 4D/ khối lượng, chi phí 5D…


Một yêu cầu BIM rõ ràng ngoài chuyện làm khung sườn để tuyển chọn các đơn vị có năng lực BIM phù hợp, còn là cơ sở vững chắc để ràng buộc hạng mục BIM trong hợp đồng thiết kế/ thi công.


BIM giả trân, âu cũng là một giai đoạn khi việc áp dụng BIM còn mang tính phong trào. Chúng ta không nên đả kích vì nó chỉ là hiện tượng bề nổi của một vấn đề khác. Cái anh em cần làm là nhận thức rõ về nó để tư vấn cho CĐT biết như thế nào là BIM đúng cách, để từ đó chi thêm tiền đúng chỗ. Thay vì cứ mập mờ về yêu cầu BIM và ngân sách BIM, thì cuối cùng chẳng bên nào được cái lợi gì.

 

Làm giả, rồi cũng đến lúc làm thật. Làm thật nhiều rồi sẽ thấy mê. Mà nhiều khi mê quá, hóa mê muội. Đón xem căn bệnh BIM tiếp theo ở bài sau nhé anh em.


THE BIM FACTORY

Nguyên tác: Phạm Minh Nhựt

Đồ họa: Võ Trí Cường

Comments


bottom of page