"Theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn."
Người ta hay nói với nhau như vậy, nhất là mấy người trẻ. Người ta quên nói rằng, vấn đề của người trẻ không phải là việc dám theo đuổi đam mê. Vấn đề là chúng tôi có quá nhiều đam mê, hoặc thứ tưởng chừng là đam mê.
Tiếp tục Chuyện làm BIM ở bài trước, bài này sẽ là khoảng thời gian tôi rong ruổi với đam mê BIM của đời mình.
cầm tấm bằng, chút ít kinh nghiệm nghề, và tháng lương cuối cùng, tôi dấn thân vào con đường đam mê: BIM + data.
Ý tưởng tóm gọn như vầy: Giúp chủ đầu tư ra quyết định tốt hơn nhờ insights dự án trích xuất từ mô hình BIM. Tôi tưởng tượng, sản phẩm này là một cái app dashboard của dự án, thể hiện tất tần tật các loại dữ liệu được đã tổng hợp vào và trích xuất từ mô hình BIM. Ví dụ như tiến độ, chi phí kế hoạch vs. thực tế...
Vạn sự tất nhiên là khởi đầu nan.
Năng lực viết app chưa có, nhưng tôi có thể làm thủ công biểu đồ excel để tạm thay thế. Nhưng câu hỏi quan trọng hơn: ai là người làm ra mô hình BIM, và sau đó theo sát công trường để lấy thông tin nhập vào BIM? Thời điểm ấy như bài trước tôi đã chia sẻ, người làm BIM ít được mang sản phẩm ra công trường, mà kỹ sư công trường lại ít quan tâm đến BIM. Vậy là chuyện làm app từ từ tính, phải làm dịch vụ BIM cho công trường trước đã.
May mắn được anh sếp cũ chiếu cố, tôi cầm ý tưởng quay lại công ty cũ trình bày, cũng mong tìm được khách hàng đầu tiên. Bài trình bày khá suôn sẻ, nhưng có quá nhiều câu hỏi phản biện mà cái đầu ngây thơ của tôi chưa đủ trải đời để trả lời. Nhất là những lợi ích chưa rõ ràng và mối quan hệ đặc biệt giữa (Phòng BIM vs. Công trường) của Nhà thầu vs. Chủ đầu tư.
Bạn đâu muốn thuê một team làm việc cho phòng mình, nhưng suốt ngày đi theo dõi phòng khác, để ra sản phẩm cuối cùng phục vụ cho công ty người ta. Mấy công ty khởi nghiệp nhỏ sẽ thấy việc này vô lý, vì nhân sự có chục người, ai cũng phải lao vào phục vụ khách để có doanh thu trả cho cái thu nhập bấp bênh của mình. Nhưng với mấy tập đoàn lớn thì đây là câu chuyện thường ngày ở huyện. Lo giữ mình cái đã.
Tôi cố gắng chào giá thấp và sau đó ra về với bài học đầu đời: Không phải ai cũng là khách hàng của mình.
Hơn một tháng sau, tổ nghề BIM cho tôi khách hàng đầu tiên.
Bạn tôi giới thiệu hai vợ chồng chủ một trường quốc tế có tiếng ở Quận 2. Họ đang thuê thiết kế một cơ sở mới, hồ sơ bản vẽ đã đâu vào đấy. Ý tưởng ngoại thất đạt mỹ thuật nhưng chưa thể hiện được văn hoá Mỹ, là thương hiệu của trường. Cô chú đi tìm những người trẻ sáng tạo nhưng chịu lắng nghe, và ý tưởng của nhóm chúng tôi được chọn với điều kiện: phải đi với công trình đến cuối cùng để giúp ý tưởng thành hiện thực. Như cá gặp nước, tôi nhận ngay và tự đề xuất luôn mức phí siêu hữu nghị.
Hí hửng ra về với người bạn cộng sự, chúng tôi cầm số tiền còn lại đồng sáng lập công ty với bài học thứ hai: khi bạn chắc chắn giá của mình kiểu gì cũng bán được hàng, tức là bạn đã định giá quá thấp. Sản phẩm, dịch vụ càng sáng tạo, bài học càng đúng.
SmartVDC ra đời với câu chuyện như thế.
Hợp đồng vừa ký, chúng tôi may mắn tìm ngay được khoản đầu tư đối ứng với giá trị hợp đồng. Vậy là có ít tiền để hoạt động chờ doanh thu về. Thuê cái chỗ làm văn phòng, thuê dịch vụ kế toán, trả chi phí ăn uống sinh hoạt hàng ngày, laptop tự chuẩn bị, chúng tôi làm đủ thứ và không biết đến ngày mai. Tôi lo hết phần kỹ thuật, dự án, và bạn tôi lo những phần còn lại của công ty.
Hoàn thành ý tưởng thiết kế là cũng đến ngày khởi công, chúng tôi được giao là đại diện CDT ở công trường, ngồi chung phòng với bên tư vấn giám sát và bên kia là nhà thầu. Chủ yếu là đi làm báo cáo độc lập gửi riêng về cho cô chú, tôi tranh thủ thực hiện luôn ý tưởng của mình: tự làm BIM & tích hợp dữ liệu thi công để làm minh bạch báo cáo.
Dựng xong phần kết cấu bằng Revit, tôi nhận ra bản vẽ còn nhiều thông tin thiếu sót. Chuyển tiếp sang Robot Structure, tôi tiếp tục phát hiện nhiều cấu kiện thiết kế dư quá. Tạo phương án mới kèm đơn giá bê tông cốt thép, BIM giúp tôi báo CĐT rằng có thể tiết kiệm ít nhất 1 tỉ nếu tối ưu kết cấu theo cách của tôi.
Nhờ BIM mà tôi “kiểm soát” được cả mấy ban bệ thiết kế - giám sát - thi công, dù chưa biết cái insights tôi phát hiện ra có thật sự đúng hay không. Sau hơn 3 tháng đắm chìm trong đam mê của tuổi trẻ, bộ báo cáo minh bạch ấy giúp tôi ghi điểm với CDT, và cũng đồng thời vạch ra một lằn ranh giữa cá nhân tôi, và tất cả những bên còn lại của dự án. Nhiều chuyện thú vị có, và không hay cũng có bắt đầu xảy ra sau đó, nhưng tôi sẽ giữ riêng làm kỷ niệm.
Một năm sau ngày thành lập,
Dự án gặp trục trặc phải chờ rất lâu mới có thể tiếp tục. Công ty thì hết tiền. Bạn tôi thì có hướng đi riêng. Ngậm ngùi nhưng thật sự không điều chi còn tiếc nuối, chúng tôi bước ra khỏi cuộc chơi với bài học thứ ba: cần nhiều nhiên liệu để thổi bùng lửa đam mê, và thứ nhiên liệu dễ đốt nhất chính là tiền. Hết tiền, hết củi, nghỉ chơi.
Riêng tôi, bài học đáng đời nhất cho sự ngây thơ ngày xưa về BIM là:
BIM là cái công nghệ nếu bạn nhận thức nó là công nghệ: mới mẻ, sáng tạo, minh bạch, tiết kiệm. Rồi bạn sẽ có cái mình muốn: một "cục" công nghệ, cho riêng bạn.
Còn đối với tôi, nhờ công nghệ phát triển thì mới có BIM, nhưng triển khai BIM thành công ít khi phụ thuộc vào những "cục" công nghệ, mà vào những thứ gì đó rất "người": giao tiếp, mục tiêu, nhận thức... và đặc biệt là lợi ích của những ai đang và sắp bị ảnh hưởng bởi BIM.
Giữa năm 2017, nhờ nhân duyên tôi được gia nhập TBF và mở ra cánh cửa tìm thấy mục đích đời mình.
Đón tiếp bài sau nhé.
Phạm Minh Nhựt
THE BIM FACTORY
Коментарі